Bộ Tài chính quyết trình Đề án áp dụng IFRS

(ĐTCK) Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam đang được Bộ Tài chính hoàn tất, theo kế hoạch, trong tháng 7 này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Từ góc nhìn các doanh nghiệp quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng là những đơn vị có tiềm lực kinh tế và nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, nên trong định hướng chính sách triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiệp niêm yết là một trong những đối tượng áp dụng IFRS đầu tiên. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa sẵn sàng áp dụng IFRS.

Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho hay, cổ đông ngoại là Carlsberg (Đan Mạch) đến nay chưa có đề nghị nào liên quan đến việc áp dụng IFRS, nên Tổng công ty chưa có nhu cầu áp dụng IFRS. Hiện cơ sở hạ tầng của Habeco không đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu triển khai IFRS, nên doanh nghiệp chưa sẵn sàng để áp dụng tự nguyện IFRS. Cái khó khi áp dụng IFRS là giữa chính sách thuế và chế độ kế toán đang có sự khác biệt lớn về trích lập dự phòng, lợi thế thương mại…

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) có công ty con đang hoạt động tại Singapore và đang thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS, nhưng “ông lớn” ngành dầu khí này cho rằng, có nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng IFRS. Đó là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ.

Sự khác biệt hiện nay giữa cơ chế thuế, kế toán, cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp là rất nhiều, nếu không có sự đồng bộ về chính sách để các cơ quan có thẩm quyền đồng thuận với doanh nghiệp thì sẽ khó khăn trong việc áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính riêng.

Thêm vào đó, nếu áp dụng IFRS theo hình thức bắt buộc, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin. Hiện nay, chỉ có một số trường hợp tham gia đấu thầu quốc tế mới cần báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS.

Ý kiến từ nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, triển khai IFRS gặp khó còn vì việc áp dụng các chuẩn mực về giá trị hợp lý khi các ước tính là chủ quan và xử lý khi có tranh chấp, đặc biệt là việc xác định doanh nghiệp trốn thuế, gian lận thuế… rất phức tạp. Việc áp dụng IFRS cần thông tin không chỉ của kế toán, mà còn của nhiều bộ phận nên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ công ty để triển khai. Doanh nghiệp đối mặt với khối lượng công việc nhiều hơn do có sự khác biệt giữa các quy định về chuẩn mực kế toán, chính sách thuế, cơ chế tài chính.

Theo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khối ngân hàng niêm yết còn phản ánh những cái khó riêng khi áp dụng IFRS, vì đang có tình trạng không đồng nhất trong cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính ban hành cơ chế tài chính, trong khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các ngân hàng. Điều này dẫn đến công tác kế toán của các ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế trích lập dự phòng cho vay hiện nay có sự khác biệt lớn so với IFRS, nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đơn vị nếu áp dụng.

Sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế hướng đến các đơn vị chỉ phải lập một bộ báo cáo tài chính để công bố tại Việt Nam. Các đơn vị thuộc đối tượng (bắt buộc hoặc tự nguyện) lập báo cáo tài chính (riêng hoặc hợp nhất) theo IFRS thì được miễn lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Để giải quyết tình trạng nhiều quy định pháp lý “vênh” nhau khiến cho áp dụng IFRS gặp khó, Bộ Tài chính có kế hoạch nghiên cứu, ban hành lại VAS sao cho giảm thiểu khoảng cách giữa VAS và IFRS, từ đó tạo thói quen cho người làm công tác kế toán để khi chuyển đổi từ VAS sang IFRS sẽ thuận lợi hơn.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành lại, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng giảm thiểu sự khác biệt giữa các văn bản, xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực kế toán, chính sách thuế và cơ chế tài chính, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính để cung cấp ra công chúng.

Cùng với tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để khuyến khích chuyển sang áp dụng IFRS, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang áp dụng IFRS. Bên cạnh phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác đào tạo IFRS, trợ giúp các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong quá trình áp dụng IFRS, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến IFRS cho các đối tượng để xã hội hiểu về nội dung, nhận thức được lợi ích của việc áp dụng IFRS.

Ban đầu sẽ áp dụng IFRS với công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn

ảnh 1

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính.
IFRS và các cơ chế chính sách trong nước có sự khác biệt tương đối lớn, nhất là các quy định về thuế và chính sách tài chính đang áp dụng với khối doanh nghiệp nhà nước. Các cơ chế chính sách này ảnh hưởng đến báo cáo tài chính riêng của từng doanh nghiệp và chúng ta hiểu rằng, không phải một sớm một chiều có thể sửa đổi được hết các cơ chế, chính sách này phù hợp với IFRS.

Vì vậy, để tránh xung đột với các quy định pháp lý khác, nhất là về thuế, trong giai đoạn 1 chỉ áp dụng IFRS đối với báo cáo tài chính hợp nhất trên cơ sở doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện, hoặc do Bộ Tài chính lựa chọn. Ban đầu sẽ triển khai với nhóm doanh nghiệp: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; các công ty mẹ khác có nhu cầu và nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS…

Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng IFRS cho báo cáo hợp nhất thì khối doanh nghiệp FDI sẽ cơ bản không được tham gia vào tiến trình này, vì phần lớn các doanh nghiệp FDI là công ty con nên không phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Trong khi đó, đây là đối tượng mong muốn được áp dụng IFRS.

Do đó, việc áp dụng IFRS trên báo cáo tài chính riêng trong giai đoạn đầu mới chỉ nhắm đến khối doanh nghiệp FDI (ít chịu sự tác động của cơ chế tài chính dành cho khối doanh nghiệp nhà nước) với đều kiện họ phải công bố chi tiết sự khác biệt giữa lợi nhuận kế toán (xác định theo IFRS) và thu nhập chịu thuế (xác định theo pháp luật về thuế) và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp tự nguyện hoặc được lựa chọn áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng sẽ được miễn lập báo cáo tài chính theo VAS.

Chúng tôi đang hoàn thiện Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam theo hướng, doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế tại cùng một thời điểm, chứ không áp dụng một số chuẩn mực theo các giai đoạn khác nhau.

Nằm trong lộ trình chuẩn bị các điều kiện cho áp dụng Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính vừa hoàn tất biên dịch bộ thuật ngữ IFRS sang tiếng Việt để làm cơ sở cho việc biên dịch hệ thống IFRS sang tiếng Việt. Theo đó, đã có 350 thuật ngữ IFRS được dịch sang tiếng Việt, bao gồm các nội dung về cổ tức (IFRS 9), quyền chọn cổ phiếu (IFRS 2), quyền chọn, chứng quyền và những hợp đồng phái sinh tương đương (IAS 33)…
Từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022 như công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…

Nguồn: Đầu tư chứng khoán

, , ,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *