Chủ động triển khai IFRS là lợi thế cho DN

Chủ động triển khai IFRS là lợi thế cho DN - ảnh 1

Theo Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”, bắt đầu từ năm 2026, IFRS mới bắt buộc phải áp dụng cho một số đối tượng doanh nghiệp. Nhưng ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần xắn tay chuẩn bị lộ trình áp dụng bộ chuẩn mực này.

Sớm chuẩn bị để triển khai tối ưu

Ðề án quy định, từ năm 2022 – 2025 là giai đoạn các doanh nghiệp áp dụng IFRS tự nguyện.

Sau đó, các đối tượng bắt buộc phải áp dụng bộ chuẩn mực này bao gồm công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ quy mô lớn khác.

Các đối tượng còn lại bắt buộc phải áp dụng VFRS từ năm 2025.

VFRS sẽ là hệ thống chuẩn mực mới được tiệm cận tối đa các thông lệ quốc tế (tức là IFRS), do đó, VFRS sẽ thay đổi gần như toàn bộ các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện tại. Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS hay VFRS sẽ đều phải thực hiện các thay đổi sâu rộng.

Vì vậy, doanh nghiệp nên định hướng áp dụng tự nguyện IFRS để có lộ trình phù hợp. Bởi cho dù doanh nghiệp cuối cùng lựa chọn áp dụng VFRS (từ năm 2025), thì với việc xây dựng lộ trình áp dụng IFRS sẵn có, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn để chuyển sang áp dụng VFRS.

Nếu doanh nghiệp tiếp tục đợi các chuẩn mực VFRS được ban hành rồi mới nghiên cứu triển khai, thì sẽ lỡ mất giai đoạn chuẩn bị để đạt được phương án triển khai tối ưu.

Việc triển khai IFRS không chỉ là câu chuyện về hạch toán Nợ/Có của riêng bộ phận kế toán, mà sẽ tác động đến hầu hết các bộ phận của doanh nghiệp, cũng như liên quan đến các quyết định kinh tế của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong mối quan hệ lợi ích với các bên có lợi ích liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng…

Việc triển khai thành công IFRS không chỉ dừng ở việc bổ sung kiến thức và kỹ năng IFRS cho bộ phận tài chính – kế toán, mà quan trọng hơn là đạt được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo là những người không chuyên về công tác hạch toán kế toán trong việc thay đổi các quy trình, chuẩn hóa thông tin và ra các quyết định kinh tế tối ưu.

Thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS có thể rất khác nhau ở từng doanh nghiệp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ năng lực chuyên môn, điều kiện hệ thống thông tin quản trị, tính chất ngành nghề, kinh nghiệm học hỏi từ các doanh nghiệp khác, nhưng thông thường sẽ mất tối thiểu là 1 năm.

Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu, kinh doanh đa ngành nghề, có bộ phận tài chính kế toán dàn trải ở nhiều địa phương sẽ có thời gian triển khai lâu hơn.

Theo kinh nghiệm của các nước đã triển khai thành công IFRS, cần 4 năm từ khi lộ trình áp dụng IFRS được công bố đến khi doanh nghiệp chính thức chuyển đổi xong như Hàn Quốc (2007 – 2011), Ðài Loan (2009 – 2013), Malaysia (2008 – 2012).

Khoảng thời gian 4 năm này để giúp cơ quan quản lý giám sát nhà nước hoặc các tổ chức chuyên nghiệp độc lập hoàn thiện các khung pháp lý/giám sát, nhưng cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp tìm hiểu, đánh giá, xây dựng lộ trình, thu thập dữ liệu để tính toán lại số liệu đầu kỳ và số liệu so sánh trước khi doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo IFRS đầy đủ.

Lưu ý là thời gian để cập nhật kiến thức cho đội ngũ kế toán là quan trọng, nhưng chỉ chiếm khoảng thời gian nhỏ trong khung 4 năm này.

Ðề án phê duyệt cho phép thời gian chuẩn bị cho đối tượng áp dụng IFRS tại Việt Nam là 6 năm (2020 – 2026) – dài hơn các nước khác, nhưng thời gian chuẩn bị cho áp dụng VFRS lại ngắn hơn (2020 – 2025).

Do vậy, để tránh việc áp dụng VFRS năm 2025, sau đó năm 2026 chuyển sang IFRS, doanh nghiệp nên cân nhắc thời gian lựa chọn áp dụng tự nguyện IFRS không muộn hơn năm 2025.

Mặc dù khoảng thời gian đến năm 2025 là tương đối dài, doanh nghiệp không nên đợi, mà cần thực hiện các công việc chuẩn bị cơ bản ngay, đặc biệt là việc đánh giá tác động khi áp dụng IFRS bao gồm tác động về hoạt động, về ngân sách đầu tư và về các tác động tài chính.

Một công việc vô cùng quan trọng trong công tác chuẩn bị là đánh giá tác động đối với các bên có lợi ích liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp… để đạt được sự đồng thuận tối đa khi thực hiện triển khai áp dụng IFRS chính thức.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế hiện nay có nhiều yếu tố không chắc chắn do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn trong việc phân bổ ngân sách cho việc triển khai IFRS sao cho phù hợp nhất với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Dự kiến nguồn nhân lực cho IFRS sắp tới của Việt Nam sẽ thiếu, nên việc chuẩn bị sớm sẽ giúp doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ nhân sự cần thiết trước khi đến mốc 2025.

Xem thêm: IFRS là gì? Chuẩn mực báo cáo IFRS và kiến thức cần biết!

Ba mấu chốt để triển khai IFRS thành công

Có 3 yếu tố chính mà các doanh nghiệp trên thế giới áp dụng thành công IFRS giải quyết được.

Thứ nhất là hệ thống thông tin tài chính. Việc áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, xử lý dữ liệu, cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban bên trong doanh nghiệp, hoặc với các bên liên quan từ bên ngoài doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp triển khai IFRS thành công thường gắn liền với việc triển khai thành công hệ thống ERP (Enterprise resource planning – Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để nâng cấp hệ thống phù hợp với yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp đang hoặc sẽ triển khai ERP nên cân nhắc việc bổ sung các yêu cầu về việc tạo lập thông tin cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRS trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp chưa có khả năng triển khai ERP cũng cần thực hiện việc thay đổi quy trình thu thập và xử lý thông tin hiện hữu của mình để sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS.

Thứ hai là quy trình nội bộ. Việc triển khai IFRS yêu cầu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận của doanh nghiệp và bộ phận kế toán nên các quy trình nội bộ hiện tại có thể không còn phù hợp và cần được điều chỉnh.

Một sơ đồ tổ chức hiệu quả, lược bỏ sự cồng kềnh, chú trọng tăng năng suất hiệu quả sẽ là bước đi mà doanh nghiệp cần thực hiện.

Thứ ba và cũng là quan trọng nhất là con người. Vai trò của người làm công tác kế toán doanh nghiệp chuyển từ việc hạch toán Nợ/Có theo truyền thống sang việc lập và trình bày báo cáo tài chính trên cơ sở nắm bắt bản chất kinh tế của giao dịch, thực hiện các xét đoán có cơ sở dựa vào thông tin của quá khứ và dự báo cho tương lai.

Việc đào tạo và cập nhật IFRS cho đội ngũ kế toán mà chủ yếu mới quen thuộc với VAS không thể thực hiện được chỉ trong một thời gian ngắn.

Bản thân ban lãnh đạo và chủ sở hữu của doanh nghiệp là người sử dụng báo cáo tài chính theo IFRS cũng cần được đào tạo để đọc hiểu, nắm bắt được thông tin trên báo cáo tài chính, từ đó sử dụng thông tin đó trong quá trình ra quyết định của mình.

Việc triển khai thành công IFRS có thể sử dụng các năng lực nội tại của doanh nghiệp, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi tại các nước có tính tương đồng với Việt Nam như Malaysia và Thái Lan, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ của các đội ngũ chuyên gia tư vấn triển khai IFRS chuyên nghiệp vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp có các bước đánh giá và ra quyết định phù hợp, tránh gây lãng phí hoặc có các lựa chọn không tối ưu.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Xem thêm: (Mẹo) Kinh nghiệm đọc hiểu báo cáo tài chính trong 1 phút

 

 

 

, , ,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *