Theo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính phê duyệt, việc triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo 03 giai đoạn.
03 nhóm đối tượng áp dụng IFRS:
Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế; Ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được triển khai theo lộ trình với 03 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ 2020-2021; Giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025; Giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025.
Đề án áp dụng với 03 nhóm đối tượng, bao gồm:
Một là, các doanh nghiệp bao gồm: các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố; các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án.
Hai là, các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ gồm: các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam.
Ba là, cơ quan quản lý nhà nước gồm: Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong hoạt động xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS; nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện VFRS.
Nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính
Theo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được triển khai theo lộ trình với 03 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ 2020-2021; Giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025; Giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025.
Khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp phải trình bày, thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính đối với các nội dung khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (nếu có); thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) tại cùng một thời điểm. Khi IASB có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các IFRS thì cần phải kịp thời công bố bản dịch để thống nhất triển khai cho các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng. Doanh nghiệp áp dụng tự nguyện hoặc áp dụng bắt buộc IFRS theo nguyên tắc nhất quán trong cả năm tài chính.
Bộ Tài chính sẽ ban hành các tiêu chí, hướng dẫn để đánh giá các thông tin tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo tính so sánh giữa doanh nghiệp áp dụng IFRS và doanh nghiệp không áp dụng IFRS. Đồng thời, công bố danh sách doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng IFRS lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS; Thực hiện khảo sát nhu cầu, khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để có những điều chỉnh về đối tượng, lộ trình và phương án áp dụng IFRS phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi và tìm các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng IFRS; Thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang áp dụng IFRS theo kế hoạch…
Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam được kỳ vọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc áp dụng IFRS và VFRS sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.