Chuẩn mực quốc tế

Cách đây bảy năm, một doanh nghiệp niêm yết lớn “mất” tới 240 tỷ đồng vì lợi nhuận thoái vốn không được hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh, khi một Thông tư của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực.

Tác giả của Thông tư cho biết quy định đó dựa vào chuẩn mực kế toán quốc tế. Việc xích lại với các chuẩn mực kế toán quốc tế là “xu hướng không thể khác được” trong khi ban hành các chính sách hiện nay. Số tiền lãi 240 tỷ đồng của doanh nghiệp nói trên không bị mất đi, chỉ là thay đổi cách hạch toán và nhìn nhận.

Sau bảy năm, các chuẩn mực kế toán quốc tế đã không còn quá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Mặc dù chưa đến giai đoạn bắt buộc (sau năm 2025 – theo Bộ Tài chính), một số doanh nghiệp đã chủ động lập báo cáo tài chính áp dụng IFRS (Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế) – tuy nhiên số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, các báo cáo IFRS cũng ít khi được doanh nghiệp công khai, một phần do lo ngại những chênh lệch khó giải thích cho công chúng. Tôi đã đọc một số báo cáo tài chính của các doanh nghiệp lập theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Việt Nam (VAS) và IFRS, thấy rõ sự khác biệt, đặc biệt ở cách ghi nhận lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế có thể tăng hoặc giảm hàng trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp chênh lệch tới hơn một nghìn tỷ đồng khi thay đổi từ VAS sang IFRS.

IFRS hiểu nôm na là một dạng quy ước, là “ngôn ngữ” trên thị trường vốn, khi doanh nghiệp sử dụng để phản ánh tình hình tài chính – chẳng hạn số dư các hạng mục tài sản, kết quả kinh doanh trong kỳ… Hiện có hơn 130 quốc gia áp dụng IFRS khiến IFRS đang dần trở thành một ngôn ngữ quốc tế, tương tự tiếng Anh, giúp các nhà đầu tư trên toàn thế giới có cơ sở để “nói chuyện” với nhau. Với IFRS, khác biệt đặc thù của từng quốc gia từng bước được gỡ bỏ.

Việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng từ các doanh nghiệp về thời gian và chi phí. Bởi không chỉ thay đổi về cách ghi nhận các khoản mục, dẫn đến chênh lệch giá trị, IFRS còn yêu cầu các thuyết minh báo cáo tài chính phải rõ ràng và minh bạch hơn. Các doanh nghiệp cần phải tổ chức lại hệ thống thu thập dữ liệu phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực mới.

Sau năm 2025, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng… sẽ bắt buộc phải tuân thủ IFRS – theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện tại các tổ chức nghề nghiệp kế toán – tài chính đã bắt đầu mở các khóa đào tạo nghiệp vụ kế toán, trong đó có nghiệp vụ lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Những phiền phức trong việc chuyển đổi chuẩn mực kế toán là điều không thể tránh khỏi, và cần một thời gian dài để thích ứng. Từ nay đến năm 2025, mỗi doanh nghiệp không còn nhiều kỳ báo cáo để thực hành nữa, do đó cần những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Việt Nam đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính năng động hạng nhất này. Thị trường chứng khoán Việt Nam cần minh bạch hơn nữa không chỉ bằng việc loại bỏ giao dịch nội gián, thao túng chứng khoán hay những gian lận trên thị trường, mà cần một tiếng nói chung với các thị trường phát triển trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, một thứ ngôn ngữ chung như IFRS là vô cùng cần thiết.

Một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Kinh tế Pucharest (Romania) cho thấy các quốc gia áp dụng IFRS có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự gia tăng dòng vốn FDI hơn các quốc gia không áp dụng. Với các doanh nghiệp niêm yết, sự ảnh hưởng này lại càng thêm mạnh mẽ. Cứ hình dung một quỹ đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu các doanh nghiệp Việt Nam, họ phải mất rất nhiều thời gian để “phiên dịch” báo cáo tài chính sang ngôn ngữ của chính họ, để có thể nắm bắt tình hình kinh doanh thực tế – một quá trình phức tạp và mệt mỏi với cả hai bên.

Trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS, điều tiên quyết là sự dũng cảm của lãnh đạo các doanh nghiệp – bởi những chênh lệch số liệu ban đầu là điều không thể tránh khỏi. Ví dụ với các doanh nghiệp bất động sản, những khoản lợi nhuận có được nhờ kỹ thuật đánh giá lại tài sản – như cách họ từng làm trong quý I/2022 vừa qua – sẽ không còn thoải mái như trước. Đó sẽ là tổn thất lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, khi công chúng đầu tư thường căn cứ vào lợi nhuận của doanh nghiệp để định giá cổ phiếu.

Đây cũng là giai đoạn thị trường cần thích ứng dần với những cú sốc tương tự.

Minh Thư, theo https://vnexpress.net/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *