Tổng hợp khác biệt giữa VAS và IFRS – Phần 1 (Hàng tồn kho, TSCĐ và BĐS đầu tư) – IFRS.VN

Từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tại thời điểm ra đời, VAS đã phản ánh được nhiều giao dịch của nền kinh tế thị trường non trẻ, giúp các doanh nghiệp và người làm công tác kế toán nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và tiếp cận dần với công tác kế toán của nền kinh tế thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, do đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.

Tại bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sự khác biệt giữa các Chuẩn mực VAS hiện tại và các Chuẩn mực IFRS liên quan đến Hàng tồn kho, Tài sản cố định hữu hình/vô hình và Bất động sản đầu tư. Bài viết được trích từ Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam của Bộ Tài chính.

Chuẩn mực kế toán Hàng tồn kho (VAS 02 và IAS 2)

Việt Nam hiện đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho (VAS 02) tương ứng với Chuẩn mực kế toán quốc tế về hàng tồn kho (IAS 2).

So với VAS 02, IAS 2 có điểm khác biệt chính nằm tại phạm vi áp dụng. Cụ thể, IAS 2 có loại trừ phạm vi áp dụng đối với công cụ tài chính, tài sản sinh học và các sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch (được thực hiện theo Chuẩn mực về Nông nghiệp IAS 41).

Trong khi đó, VAS 02 không có sự loại trừ về phạm vi áp dụng nên những tài sản có đặc thù riêng như trên chưa được điều chỉnh và phản ánh đúng bản chất, trong một số trường hợp không có căn cứ để xác định giá trị, như:

  • Việc không loại trừ các công cụ tài chính phái sinh ra khỏi phạm vi Chuẩn mực không phù hợp với các hợp đồng mua, bán sử dụng công cụ phái sinh (như hợp đồng tương lai, thỏa thuận kỳ hạn hoặc quyền chọn), không thể phản ánh hết các khoản lãi, lỗ phát sinh từ hợp đồng cũng như không phù hợp với các mô hình kế toán sử dụng công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro.
  • Tài sản sinh học của các hoạt động nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi và những sản phẩm chưa qua chế biến thu được từ tài sản sinh học (thịt, hoa màu, gỗ, mủ cao su…) cần được xác định theo giá trị hợp lý trừ chi phí bán ước tính tại thời điểm thu hoạch theo thông lệ quốc tế chứ không được phản ánh như các loại hàng hóa khác.

Chuẩn mực kế toán Tài sản cố định hữu hình (VAS 03 và IAS 16)

Việt Nam hiện đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 03 – Tài sản cố định hữu hình (VAS 03) tương ứng với Chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định hữu hình (IAS 16).

So với VAS 03, IAS 16 có một số điểm khác biệt sau đây:

Phạm vi áp dụng

IAS 16 không áp dụng đối với Tài sản sinh học liên quan đến các hoạt động nông nghiệp, TSCĐ hữu hình được phân loại là tài sản dài hạn nắm giữ để bán.

Do Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực riêng cho các tài sản trên nên vẫn áp dụng theo VAS 03, dẫn đến các tài sản chưa được phản ánh đúng bản chất và đặc thù, trong một số trường hợp không có căn cứ để xác định giá trị, như:

  • TSCĐ hữu hình được phân loại là tài sản dài hạn nắm giữ để bán trong điều kiện hoạt động không liên tục: Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp không còn dự kiến tiếp tục hoạt động, các TSCĐ không còn được sử dụng để tạo ra lợi ích kinh tế như trong điều kiện thông thường mà thay vào đó các tài sản này nằm ở trạng thái sẵn sàng để bán. Điều này dẫn đến cách thức thu hồi tài sản có sự khác biệt về bản chất (thu thanh lý) so với các TSCĐ khác và vì vậy, việc áp dụng các nguyên tắc kế toán của TSCĐ hữu hình không còn phù hợp.
  • Tài sản sinh học liên quan đến các hoạt động nông nghiệp: Các tài sản này như cây công nghiệp (cao su, hạt tiêu, café..) hoặc súc vật sinh sản (bò sữa, lợn giống…) có đặc điểm khác các TSCĐ thông thường do có thể sinh sôi nảy nở thêm trong quá trình sinh trưởng và dẫn đến các chi phí liên quan trực tiếp đến chăn nuôi, vun trồng không phản ánh được giá trị của các tài sản loại này. IAS 41 yêu cầu những tài sản sinh học phải được ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ chi phí bán trong khi TSCĐ yêu cầu ghi nhận theo giá gốc là các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Do đó việc không loại trừ tài sản sinh học ra khỏi VAS 03 làm cho các tài sản này chưa được phản ánh đúng bản chất trên báo cáo tài chính.
  • Quyền sử dụng đất: Theo IAS 16, đất đai được kế toán là TSCĐ hữu hình trong khi Việt Nam đang kế toán là TSCĐ vô hình với lí do đây là quyền sử dụng. Nếu đất sử dụng để cho thuê lại được phân loại là bất động sản đầu tư cùng với cơ sở hạ tầng như một tài sản hữu hình dẫn đến việc phân loại tài sản là đất tại Việt Nam chưa nhất quán.
  • Giá trị tài nguyên, khoáng sản hoặc các quyền về khoáng sản và dự trữ khoáng sản như dầu, khí tự nhiên và các nguồn tài nguyên không thể tái tạo tương tự có nhiều đặc điểm kinh tế, kỹ thuật khác biệt với các ngành sản xuất khác. Do khoáng sản thường nằm dưới lòng đất, biển nên các chi phí tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng và khai thác có những đặc thù theo quy định của ngành khai khoáng. Việc ghi nhận, đánh giá và xác định giá trị các mỏ cần xem xét đến cả yếu tố trữ lượng và hiệu quả kinh tế, ví dụ như nếu trữ lượng không đủ để vận hành thương mại thì mỏ không đủ điều kiện khai thác. Vì vậy cần phải có một Chuẩn mực kế toán riêng để điều chỉnh các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (IFRS 6).

Nguyên giá TSCĐ hữu hình

VAS 03 chưa đề cập đến các khoản ước tính ban đầu của chi phí phá hủy, điều chuyển tài sản, hoàn trả mặt bằng và khôi phục hiện trạng khi mua tài sản được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình như quy định của IAS 16.

Các khoản ước tính ban đầu của chi phí phá hủy, điều chuyển tài sản, hoàn trả mặt bằng và khôi phục hiện trạng phát sinh khi mua hoặc sử dụng tài sản thường là các nghĩa vụ pháp lý và không thể tránh khỏi tại thời điểm cuối vòng đời tài sản. Ví dụ tập đoàn Than có nghĩa vụ hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác than và bô xít; Tập đoàn dầu khí có trách nhiệm thu dọn mỏ sau khi khai thác dầu ngoài khơi. Nếu các chi phí này không được dự tính trước để tính vào nguyên giá TSCĐ và khấu hao dần thì doanh nghiệp sẽ không có đủ nguồn lực để trang trải, tạo ra những rủi ro tài chính trong giai đoạn nhất định.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

Theo IAS 16, TSCĐ hữu hình của doanh nghiệp có thể được ghi nhận và trình bày theo mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại. Tuy nhiên, VAS 03 hiện nay chỉ mới quy định việc ghi nhận ban đầu và sau ghi nhận ban đầu của TSCĐ hữu hình đều theo mô hình giá gốc mà chưa có hướng dẫn về ghi nhận và trình bày TSCĐ hữu hình theo mô hình đánh giá lại ngoại trừ trường hợp cổ phần hóa, mang tài sản đi góp vốn hoặc giải thể, chia tách, sáp nhập.

Chúng ta đều biết TSCĐ có giá trị và giá trị sử dụng. Trong một số trường hợp, giá trị của TSCĐ có sự khác biệt rất lớn so với giá trị sử dụng và nếu TSCĐ luôn được ghi nhận theo giá gốc trừ khấu hao lũy kế thì có thể không phản ánh đúng năng lực của doanh nghiệp.

Như vậy, nếu TSCĐ luôn chỉ được ghi nhận theo mô hình giá gốc mà không được xem xét đánh giá lại thì trong những trường hợp này rõ ràng báo cáo tài chính không thể cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để đánh giá và đưa ra các quyết định một cách phù hợp với thực tiễn.

Giảm giá trị tài sản

VAS 03 hiện nay chưa đề cập đến việc ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị TSCĐ hữu hình. Việc thiếu quy định về ghi nhận tổn thất tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp vì trong một số tình huống, giá trị còn lại của TSCĐ cao hơn rất nhiều so giá trị có thể thu hồi, thực chất doanh nghiệp đã rỗng ruột nhưng sổ sách thì vẫn phản ánh tài sản, tạo ra tình trạng lãi giả – lỗ thật.

Mặt khác, việc chưa quy định về ghi nhận tổn thất tài sản là vi phạm một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản là tài sản không ghi cao hơn giá trị có thể thu hồi, đơn giản vì nếu ghi cao hơn là ghi khống, đồng thời vi phạm nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Chuẩn mực kế toán Tài sản cố định vô hình (IAS 38 và VAS 04)

Việt Nam hiện đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 04 – Tài sản cố định vô hình (VAS 04) tương ứng với Chuẩn mực kế toán về tài sản cố định vô hình (IAS 38) của quốc tế.

So với VAS 04, IAS 38 có một số điểm khác biệt sau đây:

Phạm vi áp dụng của chuẩn mực

IAS 38 loại trừ các tài sản thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, các chi tiêu về việc thăm dò hoặc phát triển và khai thác khoáng sản, dầu, khí và các nguồn tài nguyên không tái sinh tương tự khác vì đã được áp dụng theo IFRS 6.

Trong khi đó VAS 04 không có quy định việc loại trừ áp dụng do Việt Nam chưa ban hành Chuẩn mực riêng cho hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản vốn có những đặt thù về mặt xác định trữ lượng và giá trị.

Phân loại quyền sử dụng đất

Như đã diễn giải tại phần TSCĐ hữu hình, quyền sử dụng đất đang được coi là TSCĐ vô hình trong khi thông lệ quốc tế coi đất là TSCĐ hữu hình.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

IAS 38 cho phép sử dụng mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại sau khi ghi nhận ban đầu. Theo VAS 04, chỉ có mô hình giá gốc được sử dụng để ghi nhận (gồm nguyên giá, giá trị hao mòn lũy kế và giá trị còn lại của tài sản cố định), tổn thất do sụt giảm giá trị không được ghi nhận do không áp dụng mô hình đánh giá lại sau ghi nhận ban đầu.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, sự thay đổi trong công nghệ diễn ra rất nhanh chóng nên việc không áp dụng mô hình đánh giá lại đối với một số tài sản sử dụng công nghệ cao làm cho báo cáo tài chính mất đi sự trung thực, hợp lý.

Thời gian khấu hao

Theo VAS 04, tài sản cố định vô hình được ghi nhận theo quy định phải được phân bổ theo thời gian sử dụng hữu ích không quá 20 năm, trừ khi có bằng chứng thuyết phục rằng thời gian sử dụng hơn 20 năm là phù hợp.

Đồng thời VAS 04 cũng quy định rõ một số chi phí trước hoạt động của doanh nghiệp như chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo, quảng cáo, nghiên cứu và di dời cơ sở kinh doanh được phép hoãn lại sẽ được ghi nhận và phân bổ dần vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tối đa không quá 3 năm.

Chuẩn mực kế toán về bất động sản đầu tư (IAS 40 và VAS 05)

Việt Nam hiện đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 05- Bất động sản đầu tư (VAS 05) tương ứng với Chuẩn mực kế toán quốc tế về Bất động sản đầu tư (IAS 40).

So với VAS 05, IAS 40 có điểm khác biệt chính về mô hình xác định giá trị như sau: IAS 40 cho phép doanh nghiệp được quyền tự đánh giá lại bất động sản đầu tư theo giá trị hợp lý còn VAS 05 chỉ cho phép ghi nhận bất động sản đầu tư theo giá gốc.

Điều này làm cho báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam kém trung thực do một trong các mục đích nắm giữ bất động sản đầu tư là chờ tăng giá, nếu không được đánh giá lại thường xuyên thì không phản ánh đúng giá trị thực của loại tài sản này. 

                                                                                                                        (Theo IFRS.VN)

,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *